Bất cập trong hoạt động thanh toán quốc tế

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ cả nước năm 2007 ước 109,21 tỷ USD và dự kiến năm 2008 là 133 tỷ USD.
Giao thương những năm tới sẽ không dừng ở những thị trường truyền thống mà sẽ được mở rộng sang các nước châu Phi, Mỹ Latin hay Trung Đông. Một vấn đề đặt ra là nếu không khơi thông hệ thống thanh toán tại các thị trường mới thì cả doanh nghiệp và ngân hàng rất dễ bị “vạ lây”…

Lâu nay, khi mở đơn hàng tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Nga… doanh nghiệp và ngân hàng đều yên tâm vì đã có một quá trình giao dịch trước đó. Những thị trường này, do môi trường pháp lý minh bạch, cầu hàng hóa cao, hệ thống thanh toán tốt nên nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu vào đây, dẫn đến cạnh tranh hàng hóa gay gắt.
Thực tế này buộc các nhà xuất khẩu Việt Nam phải chuyển hướng sang thị trường các nước châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông. Tuy vậy, những thị trường mới này cũng không hoàn toàn dễ đối với doanh nghiệp xuất khẩu và ngân hàng thanh toán bởi những rủi ro muôn hình vạn trạng.
Bà Phan Thị Hồng Hải, Trưởng phòng thanh toán xuất nhập khẩu Vietinbank cho biết: “Có khi tàu về đến cảng, khách hàng đòi mở L/C lấy tiền nhưng không có hàng, kiểm tra mới biết khi quá cảnh tại các cảng trung chuyển, chủ tàu đã bỏ quên hàng ở cảng Đài Loan”. Bà Hải cho biết thêm một trường hợp khác khi Vietinbank mở L/C cho một chuyến tàu nhập nguyên liệu từ nước ngoài nhưng khi đi qua Singapore đã bị giữ lại do chủ tàu vướng phải rắc rối pháp lý với chính quyền sở tại, bất chấp con tàu đó đang chở hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện tại, để xử lý các phát sinh tranh chấp trong thanh toán quốc tế, có rất nhiều cách nhưng không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong đợi. Thông thường, cách xử lý êm thấm nhất là tự dàn xếp với nhau nhưng cách này rất ít khi có kết quả. Cách thứ hai là khởi kiện ra tòa án nước ngoài hoặc tòa án quốc tế nhưng ngay cả khi có phán quyết của tòa thì cũng không đồng nghĩa với việc bán án được thực thi triệt để. “Nếu bị đơn là công dân nước ngoài, không có tài sản tại Việt Nam thì lấy tài sản đâu để bảo đảm thực hiện phán quyết của tòa?”, bà Thúy nói.
Lúc đó, lại phải giải quyết xung đột đó thông qua mối quan hệ với tư pháp quốc tế, chẳng hạn như phán quyết của tổ chức trọng tài quốc tế trên cơ sở công ước NewYork 1958, (năm 1995, Việt Nam đã tham gia công ước này). Từ đó, nhờ các tổ chức trọng tài quốc tế ra phán quyết và chuyển qua bộ tư pháp của quốc gia có bị đơn nhờ can thiệp.
Tuy nhiên, nếu bị đơn lại ở những quốc gia chưa tham gia vào công ước này thì chuyện kiện tụng rơi vào bế tắc.Vậy, bài học rút ra ở đây là gì? Theo bà Hải, cách tốt nhất trước khi đặt bút ký hợp đồng làm ăn, doanh nghiệp và ngân hàng thanh toán phải thực sự hiểu khách hàng, hiểu bản chất hệ thống giao dịch của nhau để phòng ngừa rủi ro. Trường hợp phải mang nhau ra tòa thì không khác gì “được vạ, má sưng”.
Từ thực tế trên, một vấn đề được đặt ra ở đây là muốn mở rộng được thị trường xuất khẩu mới, phải khơi thông được hệ thống thanh toán tin cậy mà ngân hàng là một trong những kênh thanh toán an toàn và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để làm được điều này, nhiều lãnh đạo ngân hàng có nghiệp vụ thanh toán quốc tế đều khẳng định vai trò to lớn của các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài trong việc cung cấp thông tin về đối tác cho doanh nghiệp và ngân hàng thanh toán trong nước. Thế nhưng lâu nay, vai trò của tham tán trong vấn đề này hết sức mờ nhạt.
Bà Hải nói: “Có thể các tham tán có quan hệ mật thiết với nhà xuất khẩu nhưng với ngân hàng thanh toán thì không và Vietinbank đành phải tìm kiếm thông tin bằng cách mua nhưng không phải lúc nào cũng mua được “hàng” tốt!”.
Ông Trần Quốc Tuấn, Lãnh sự phụ trách thương mại Việt Nam tại thành phố Sanfrancisco (Mỹ) chia sẻ: “Chúng tôi vẫn trả lời cho các doanh nghiệp Việt Nam là các thông tin đối tác đưa ra có đáng tin cậy không, doanh nghiệp đó đang tồn tại hay đã bị giải thể, còn những thông tin “sâu” hơn thì phải mua”.
Theo ông Tuấn, thông tin “sâu” ở đây bao gồm: tình hình tài chính của đối tác, năm vừa qua có “dính” kiện tụng hay đang chịu một phán quyết nào đó của tòa hay không…, và thương vụ sẽ chỉ cho doanh nghiệp hoặc ngân hàng Việt Nam tìm đến những địa chỉ đáng tin cậy để mua.
Đối với thị trường Mỹ, nơi các định chế tài chính đều hoạt động trong một môi trường pháp lý hoàn hảo nên trở ngại trong thanh toán không không thể không xử lý được nhưng còn thị trường một số nước châu Phi như Kenia, Nigieria, Mozambique… thì sao?
Rõ ràng, đây là một câu hỏi đang bỏ ngỏ cho không ít ngân hàng thương mại trong nước. Để có thể triển khai mảng nghiệp vụ thanh toán quốc tế tại các thị trường xuất khẩu mới, các ngân hàng không thể thiếu vắng sự hỗ trợ của các tham tán thương mại nước ngoài.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang