Thực trạng hoạt động TTQT tại các DN XNK

(VietNamNet) – Cứ khoảng 10 doanh nghiệp giao dịch xuất nhập khẩu qua ngân hàng HSBC thì 7 phải chỉnh sửa lại L/C (thư tín dụng).
“Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là khi thanh toán quốc tế không xem kỹ các chứng từ L/C, không hiểu biết đầy đủ các hợp đồng và điều khoản đi kèm; không nắm bắt được một cách đầy đủ về các thủ tục giao nhận hàng, nhận biết đơn hàng cũng như các biện pháp quản lý rủi ro về mặt chứng từ, lãi suất, tỷ giá…”.
Trao đổi với VietNamNet bên lề Hội thảo “Thanh toán quốc tế và các biện pháp quản lý rủi ro” vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Bùi Tường Minh Anh – Giám đốc thanh toán quốc tế của ngân hàng HSBC – đã nhận xét về các DN xuất nhập khẩu Việt Nam như vậy.
Theo bà Minh Anh, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam còn là thiếu kinh nghiệm giao dịch trên thị trường quốc tế. Phần lớn không xem xét kỹ hoặc hiểu hết những rủi ro về luật pháp có thể xảy ra từ những điểm chưa rõ ràng trong hợp đồng xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế khi làm ăn với các đối tác nước ngoài. “Nếu không biết rõ về tình hình kinh tế chính trị của những nước đối tác do chính sách của họ thay đổi thường xuyên, doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào thị trường đó dễ bị rủi ro. Cũng còn nhiều quốc gia hiện có chính sách, luật lệ không rõ ràng. Ngoài ra, còn không ít nghiệp vụ mới đang gây tranh cãi giữa các quốc gia về thanh toán quốc tế”, bà phân tích.
Theo những kinh nghiệm trong thanh toán xuất nhập khẩu của HSBC, các doanh nghiệp cần đặc biệt cảnh giác với các hợp đồng chào bán với giá quá rẻ hoặc có cước phí vận chuyển rẻ bất ngờ. Bởi những hàng hoá giá quá rẻ thường có chất lượng kém, nguồn gốc không rõ ràng. Những doanh nghiệp vận tải giá rẻ thường không đảm bảo uy tín trong việc giao hàng đúng và đủ như thoả thuận. Họ phần nhiều là những doanh nghiệp không có bảo hiểm, tài chính không lành mạnh.. Với người bán (doanh nghiệp xuất khẩu) các rủi ro thường gặp là khả năng tài chính, hàng hoá không được chấp nhận, chiến tranh hoặc bạo động ở nước xuất khẩu, ngoại tệ thanh toán biến động, các luật lệ, quy định của các nước nhập khẩu không phù hợp với hàng hoá.
Về lãi suất, doanh nghiệp nên cẩn trọng với các biến động khi cho vay xuất khẩu như biến động tỷ giá ngoại hối, mẫu LC từ phía ngân hàng không đúng thủ tục quốc tế…
Người mua (doanh nghiệp nhập khẩu) có thể gặp rủi ro do không được giao hàng theo hợp đồng, bị giao hàng muộn, thiếu hàng, hàng giả, lừa đảo, kém phẩm chất và không đúng quy cách. Thậm chí, cả khi ngân hàng được uỷ nhiệm chiết khấu hay nhờ thu không thực hiện đúng quy cách quốc tế.
Bà Minh Anh cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên thận trọng xem xét tất cả các yếu tố liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hoá như thông tin về công ty giao nhận, mở L/C, bảo hiểm tín dụng… nhằm đảm bảo hạn chế và phòng tránh được rủi ro.
Trong thanh toán xuất nhập khẩu hoặc mở L/C qua mạng, bà cho biết số đông các doanh nghiệp vẫn e ngại với thanh toán điện tử. Họ ngại bởi phải thay đổi thói quen, nghi ngờ tính an toàn của thanh toán điện tử vì thiếu việc… ký và đóng dấu.
“Quản lý rủi ro về mặt chứng từ là cách quan trọng nhất để doanh nghiệp gia tăng tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Theo chúng tôi nhận thấy, nhiều chi phí phát sinh ở nước ngoài mà bản thân doanh nghiệp không thể kiểm soát hết”, bà Minh Anh nói thêm.
Nhận xét về khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung, HSBC cho rằng các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam rất năng động.
HSBC hiện đứng đầu về thanh toán xuất nhập khẩu trong khối các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Dịch vụ này hiện chiếm 30% tổng doanh thu của ngân hàng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang