QUY ĐỊNH VỀ VIẾT KHOÁ LUẬN VÀ CHUYÊN ĐỀ TỐT NGHIỆP

QUY ĐỊNH VỀ VIẾT KHOÁ LUẬN VÀ CHUYÊN ĐỀ TỐT NGHIỆP

Ngày 10/11/2005, Giám đốc Học viện Ngân hàng đã ký ban hành Quy định về viết khoá luận và chuyên đề tốt nghiệp. Quy định này bắt đầu được áp dụng kể từ năm học 2005 - 2006.

Ban Chủ nhiệm Khoa Ngân hàng yêu cầu Sinh viên thuộc Khoa nghiên cứu kỹ quy định này để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc, liện hệ với Khoa theo sô điện thoại: 04.8256415

NHNN Việt Nam    Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Học viện Ngân hàng                Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
                                          
                            Hà Nội, ngày 10  tháng 11 năm 2005
       Quy định về viết khoá luận và chuyên đề tốt nghiệp

Nhằm thống nhất quy trình và nâng cao chất lượng khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp, Học viện Ngân hàng ban hành "Quy trình viết khóa luận và chuyên đề tốt nghiệp" áp dụng cho các đối tượng sinh viên thuộc các ngành học tại Học viện Ngân hàng từ năm học 2005 – 2006 như sau:
Phần I: Đối với khóa luận tốt nghiệp
1. Mục đích và yêu cầu của khóa luận tốt nghiệp
 - Khóa luận tốt nghiệp là một công trình khoa học cuối khoá của sinh viên để xét và công nhận tốt nghiệp.
- Trong khóa luận, sinh viên phải thể hiện kiến thức tổng hợp mà mình đã tiếp thu trong quá trình năm học tập tại trường để vận dụng vào nghiên cứu và giải quyết những vấn đề thực tiễn.
- Khoá luận tốt nghiệp chỉ áp dụng cho sinh viên hệ đại học đủ điều kiện theo quy định số 04/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 11/2/1999 của Bộ trưởng bộ GD&ĐT và quy chế số 69/HV-ĐT ngày 6/5/1999 của Giám đốc Học viện Ngân hàng.
2. Về lựa chọn đề tài khóa luận tốt nghiệp và phân công giáo viên hướng dẫn.
2.1- Lựa chọn đề tài khoá luận
- Đề tài khóa luận tốt nghiệp phải gắn với chuyên ngành đào tạo và nơi thực tập tốt nghiệp của sinh viên.
- Danh mục đề tài gợi ý cho sinh viên lựa chọn do bộ môn chuyên ngành xây dựng và cập, đổi mới hàng năm.
- Đề tài phải cụ thể, rõ ràng, có tính sáng tạo và không trùng lặp với người khác; đồng thời sinh viên phải có khả năng nghiên cứu và giải quyết tương đối trọn vẹn các vấn đề đặt ra.
- Việc tổ chức xây dựng danh mục đề tài gợi ý, định hướng cho sinh viên đăng ký đề tài, yêu cầu thời gian nộp và trả đề cương, tổ chức hướng dẫn cụ thể do các khoa thống nhất cho tất cả giáo viên hướng dẫn sinh viên khoa mình theo đúng quy định chung của bộ GD&ĐT và của Giám đốc Học viện.
- Giáo viên hướng dẫn định hướng, gợi ý để sinh viên lựa chọn những đề tài mới, có tính thực tiễn và học thuật sâu sắc; phải am hiểu sâu lĩnh vực chuyên môn đó.
- Khi lựa chọn đề tài cụ thể cho khoá luận, sinh viên phải trao đổi trực tiếp với giáo viên hướng dẫn và được GVHD chấp thuận.
2.2- Phân công giáo viên hướng dẫn
- Giáo viên hướng dẫn sinh viên viết khoá luận gồm những giáo viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện Ngân hàng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn gắn với chuyên ngành đào tạo. Đối với các nhà khoa học đang công tác tại các cơ quan thực tiễn phải có trình độ từ tiến sĩ trở lên, nếu là thạc sĩ phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực mình hướng dẫn. Đối với giảng viên đại học phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên, nếu là cử nhân phải có thời gian kinh nghiệm giảng dạy ít nhất 5 năm và đã giảng dạy toàn môn học thuộc lĩnh vực mình hướng dẫn.
- Căn cứ vào lĩnh vực chuyên môn mà sinh viên lựa chọn để viết khoá luận, khoa chuyên ngành dự kiến phân công GVHD sao cho phát huy được khả năng chuyên môn của từng giáo viên, danh sách phân công giáo viên hướng dẫn nộp về phòng Đào tạo để trình Giám đốc Học viện ra quyết định.  
- Sau khi được Giám đốc Học viện duyệt, danh sách phân công giáo viên hướng dẫn chính thức sẽ được thông báo và dán công khai trên bảng tin để giáo viên và sinh viên thực hiện.  
3. Về kết cấu, hình thức và nội dung của khóa luận
3.1. Về kết cấu và hình thức trình bày của khoá luận:
- Một khoá luận đuợc kết cấu làm 3 chương
Chương 1: Viết về phần lý luận, những vấn đề cơ bản có tính học thuật mà đề tài giải quyết.
Ch­ương 2 : Viết về thực trạng (thực tiễn), kiểm chứng, đánh giá..
Chương 3 : Viết về giải pháp, kiến nghị, đề xuất...
 - Hình thức trình bày phải sạch, đẹp và rõ ràng theo trình tự:
+ Bìa ngoài cùng là bìa cứng mạ vàng (theo mẫu).
+ Bìa phụ giấy thường (nội dung như bìa cứng).
+ Lời cam đoan.
+ Mục lục (lấy đến mục 3 chữ số) (ghi rõ số thứ tự trang)
+ Danh mục các bảng, đồ thị, sơ đồ (ghi rõ số thứ tự trang)
+  Bảng những từ viết tắt
+ Lời mở đầu
+ Phần nội dung (chương 1, chương 2, chương 3)
+ Kết luận.
+ Danh mục tài liệu tham khảo.
+ Phụ lục (nếu có).
- Khóa luận phải được đánh máy một mặt trên khổ giấy A4 (210 x 297), không quá 70 trang.
- Số thứ tự của trang ở chính giữa, phía trên và bắt đầu đánh từ phần lời nói đầu cho tới phần kết luận.
- Dùng font chữ  ".VNtime", cỡ chữ từ 13 đến 14.
- Lề trên, lề dưới là 3 cm; lề trái là 3,5 cm; lề phải là 2 cm.
- Các chương, mục, tiểu mục phải ghi rõ và đánh số thứ tự theo quy tắc chung của Bộ GD &ĐT (chương 1 bắt đầu từ 1.1, chương 2 bắt đầu tư 2.1, chương 3 bắt đầu từ 3.1...)
- Các công thức cần viết rõ ràng, sử dụng các ký hiệu thông dụng; các hình vẽ, bảng, sơ đồ, đồ thị…cần đánh số thứ tự và tên rõ ràng kèm theo chú thích.
3.2- Về nội dung:
Chương 1: Khoá luận phải làm rõ được cơ sở lý luận như : Khái niệm, định nghĩa, các quan điểm, trường phái, nội dung, các nhân tố ảnh hưởng...tới lĩnh vực thuộc đề tài nghiên cứu, đồng thời có thể tổng hợp tình hình nghiên cứu cũng như kinh nghiệm trong và ngoài nước về lĩnh vực khoá luận giải quyết. Nội dung chương 1 được xem là cơ sở là phương pháp luận là chìa khoá để phân tích thực trạng vấn đề trong chương 2 và đề xuất giải pháp, kiến nghị ở chương 3.
Chương 2: Trên cơ sở lý luận đã được đề cập ở chương 1, chương 2 tập trung vào phân tích tình hình thực tiễn vấn đề mà khoá luận nghiên cứu. Thực chất là sinh viên dùng lý luận để soi sáng, đánh giá thực tiễn; đồng thời dùng thực tiễn để kiểm chứng lý luận. Như vậy, nội dung chính của chương 2 là kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, phân tích để làm rõ tình hình thực tế để chỉ ra những tồn tại, hạn chế của thực tiễn cũng như nguyên nhân cần phải thay đổi, cải tiến. Trong đó, sinh viên phải thu thập tình hình, số liệu từ những nguồn tin cậy để phân tích, luận giải một cách thuyết phục.
Chương 3:
 Trên cơ sở luận cứ khoa học ở chương 1, từ phân tích thực trạng ở chương 2; chương 3 tập trung đưa ra các giải pháp và kiến nghị (hoặc đề xuất) để khắc phục những hạn chế hoặc cải thiện thực tiễn mà chương 2 đã chỉ ra, đồng thời khóa luận cũng có thể đưa ra những ý kiến hay quan điểm để hoàn thiện lý luận liên quan đến đề tài. Các giải pháp và đề xuất phải rõ ràng, có cơ sở khoa học, thực tiễn, tác dụng (ý nghĩa) và tính khả thi của từng giải pháp.
3.3- Về phương pháp nghiên cứu :
Sinh viên cần đi sâu sử dụng học thuật, dùng các phương pháp lượng hóa để kiểm chứng thực tiễn, không viết chung chung, theo lối mô tả võ đoán, thống kê số liệu đơn thuần. Các chương 1, 2 và 3 phải có sự liên kết một cách lôgic, nhất quán giữa kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn.   
3.4- Về sử dụng tài liệu tham khảo và số liệu: 
- GVHD cần lưu ý và hướng dẫn sinh viên trong việc sử dụng tài liệu tham khảo, thu thập và trình bày số liệu thích hợp, khoa học. Số liệu phải cập nhật và tin cậy, tùy theo nhu cầu phân tích mà số liệu có lấy một hay nhiều kỳ (năm, quý, tháng...) để phân tích. Số liệu trích dẫn phải ghi nguồn gốc dẫn chiếu cụ thể, chi tiết, rõ ràng để có thể kiểm chứng được; các bảng biểu, đồ thị (nếu có) phải trình bày khoa học.
- Khi trích dẫn nội dung từ các nguồn tài liệu khác phải chỉ rõ tên tài liệu, tác giả, số trang, nhà xuất bản (nếu có), năm xuất bản và ghi rõ ở phần danh mục tài liệu tham khảo. 
4. Lấy nhận xét và nộp khóa luận
- Khi hoàn thành khoá luận, sinh viên phải lấy ý kiến nhận xét của cơ quan thực tế nơi sinh viên thực tập hoặc thu thập số liệu, tình hình trong khoá luận và của giáo viên hướng dẫn về tinh thần, thái độ thực tập, nghiên cứu (không chấm điểm).
- SV phải trực tiếp nộp cho khoa chuyên ngành 02 bản và cho GVHD 01 bản khóa luận (01 bản lưu lại khoa chuyên ngành, 01 bản lưu tại thư viện nhà trường).           
5. Chấm và bảo vệ khoá luận
- Chủ nhiệm khoa phân công giáo viên chấm phản biện khoá luận theo nguyên tắc khách quan, độc lập và công bằng. Giáo viên chấm phản biện phải có bản nhận xét và chấm điểm (thang điểm 10 – lấy đến 2 chữ số sau dấu phảy) theo quy định thống nhất để gửi về khoa trước 10 ngày cho sinh viên bảo vệ trước hội đồng.
- Tuỳ theo từng trường hợp, GV phản biện có thể đặt câu hỏi trên bản nhận xét để hội đồng tham khảo và có thể sử dụng cho sinh viên bảo vệ.
6. Bảo vệ khóa luận
- Chủ nhiệm khoa lập danh sách giáo viên tham gia hội đồng chấm bảo vệ khoá luận để Giám đốc Học viện duyệt.
- Sinh viên trình bày tóm tắt khoá luận kết hợp thuyết trình với sử dụng đèn  chiếu (Overhead, Projecter) trong thời gian tối đa là 15 phút, sau đó phải trả lời câu hỏi của các thành viên hội đồng. Các thành viên hội đồng chấm điểm độc lập bằng phiếu kín đảm bảo công bằng, khách quan. 
- Điểm khoá luận của sinh viên sẽ được công bố và nộp về phòng Đào tạo ngay sau buổi bảo vệ.

Phần II: Đối với chuyên đề tốt nghiệp
Chuyên đề tốt nghiệp áp dụng đối với tất cả sinh viên các hệ cao đẳng, đại học và hoàn chỉnh kiến thức (không đủ điều kiện viết khoá luận tốt nghiệp). Về cơ bản, những yêu cầu đối với chuyên đề tốt nghiệp tương tự như khóa luận tốt nghiệp. Một số điểm cần chú ý bao gồm:
1. Danh sách phân công GVHD chuyên đề tốt nghiệp do chủ nhiệm khoa quyết định và công bố công khai để sinh viên liên hệ.
2. Việc lựa chọn đề tài cho chuyên đề về cơ bản giống như lựa chọn đề tài khoá luận, nhưng chỉ cần tập trung vào một vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Sinh viên làm đề cương chi tiết gửi cho GVHD để giáo viên góp ý và hướng dẫn cho sinh viên cách thức viết.
3. Kết cấu của chuyên đề không nhất thiết phải viết theo các chương như khoá luận, mà cần tập trung vào làm rõ thực trạng của vấn đề nghiên cứu để đưa ra các giải pháp kiến nghị giải quyết cụ thể dưới dạng một bài viết tương đối hoàn chỉnh. Chuyên đề phải trình bày rõ ràng, khoa học với số trang là từ 30 đến 35 trang A4.
4. Chuyên đề có thể đóng bìa giấy mầu và có giấy bóng kính ở ngoài. Lấy nhận xét của cơ sở thực tập và giáo viên hướng dẫn về tinh thần, thái độ thực tập, nghiên cứu để nộp cho khoa chuyên ngành 01 bản khi kết thúc đợt thực tập.
5. Giáo viên chấm chuyên đề tốt nghiệp phải viết nhận xét riêng cho từng chuyên đề và chấm điểm một cách khách quan, độc lập và công bằng (theo thang điểm 10 – lấy đến lẻ 0,5) để khoa tập hợp nộp về phòng Đào tạo trong phạm vi 15 ngày kể từ khi kết thúc đợt thực tập.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc phát sinh, đề nghị các khoa chủ động tập hợp, đề xuất với Ban Giám đốc qua Phòng Đào tạo để chính sửa, bổ sung.
                                      Giám đốc Học viện Ngân hàng
                                                      Đã ký
                                      
                                            TS. Tô Ngọc Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang